Khi bạn 40 tuổi
Một điều thú vị khi cố tình ép mình phải đọc rộng hơn những thứ liên quan đến chuyên môn dù thời gian giới hạn là đôi khi gặp được những bài về chủ đề rất thú vị.
Các giai đoạn của cuộc đời
Như hôm trước vô tình đọc được bài viết “Immortality begins at forty” (tạm dịch: “Bất tử ở tuổi 40”). Đại loại, tác giả bài viết cho rằng trong cuộc đời mỗi người, mốc 40 tuổi là một mốc rất đặc biệt: Mọi thứ trong cuộc sống dường như đều được tạo bởi những người trên 40 để cho người dưới 40 tuổi thụ hưởng. Cuộc đời theo đó có thể chia thành các giai đoạn:
- 0 đến α tuổi: trưởng thành
- α đến 40 tuổi: sống & làm những gì mình thích
- 40 đến Ω tuổi: tạo ra giá trị cho những người trẻ hơn sử dụng
- Ω đến ∅ tuổi: chẳng làm gì
Trong khi 40 là một mốc cụ thể, mốc α, Ω và ∅ là biến số và tùy thuộc vào giá trị của chúng so với mốc 40 sẽ thể hiện bạn có một cuộc sống bình thường hay thảm kịch (ví dụ nếu ∅ < α tức là bạn chết thảm lúc còn trẻ, hay nếu α > 40 tức là bạn còn chưa kịp trưởng thành thì đã già).
Bất tử nghĩa là gì?
40 tuổi là tuổi mà bạn trở thành “bất tử”:
Bạn không nhất thiết phải chết đi sống lại để trở thành bất tử. Sống đến hôm nay tức là bạn đã vượt qua nhiều bệnh tật vốn có thể giết chết bạn vài trăm năm trước. Bạn cũng có thể đã làm những điều vốn là tội sẽ bị xử tử trong quá khứ.
Không, bạn bắt đầu cảm thấy bất tử lần đầu tiên bạn cảm nhận được tính tạm thời của những điều mà bạn nghĩ là vĩnh viễn, và sự bất biến của những điều mà bạn hi vọng chỉ là tạm thời. […]
Thời gian phá hỏng tất cả những thứ được xem là giá trị của cuộc sống. Sống đủ lâu và tất cả sự thật sẽ vỡ vụn. Sống đủ lâu và tất cả giá trị sẽ chỉ còn là sự mơ hồ về đạo đức. Sống đủ lâu và tất cả các thói quen sẽ biến mất, đầu tiên trở thành nghi lễ và rồi sẽ thành những trò hề. Sống đủ lâu và những con quỷ bị giết sẽ trỗi dậy.
Và sau đó bạn sẽ được tự do, thành một thứ gì đó không ai muốn nhưng bạn vẫn bắt buộc phải đi qua.
Trừ khi bạn có con, khi đó thời gian có ý nghĩa của bạn có thể được gia hạn thêm đôi chút.
May quá, mình đang còn ở tuổi 30+ và vẫn còn thêm vài năm để sống cho mình trước khi bước qua bên kia mốc 40, và em bé ra đời trong năm nay giúp mình có cái nhìn lạc quan hơn về giá trị bản thân trong tương lai.
Về cái gọi là “thực tế”
Khi bạn “bất tử” cũng có nghĩa là bạn đã vượt lên trên thực tế:
Văn hóa là nghệ thuật duy trì những lời đồn đại rằng thực tế có ý nghĩa. Rằng bên dưới của nỗi đau và hạnh phúc, của tội ác và lòng khoan dung, sự khó chịu và gắn kết, giữa phá hoại và hàn gắn, giữa cái xấu và cái đẹp, giữa thua và thắng, giữa sống và chết còn có gì đó hơn thế. Thực tế tất nhiên là thứ không biến mất khi bạn thôi không còn tin vào nó. Buồn thay, ý nghĩa của thực tế không phải là thực tế. Ngoài thực tế, sẽ chẳng có gì cả.
Có nhiều cách để tạo ý nghĩa: phân phối ý nghĩa hoặc tạo ý nghĩa mới. Tôn giáo là hoạt động phân phối ý nghĩa. Khoa học là hoạt động tạo ra ý nghĩa mới.
Tiền bạc và ý nghĩa của cuộc sống
Những cách tạo ra ý nghĩa ở trên nghe tương tự như cách tạo ra tiền, và bạn có thể nghĩ rằng nếu bạn ra ý nghĩa thì bạn cũng sẽ có thể tạo ra tiền. Tuy nhiên, điều này theo tác giả là không thể vì bản chất hai điều khác nhau. Nếu bạn mục tiêu của bạn là tạo ra ý nghĩa trong cuộc sống, bạn sẽ không thể làm ra tiền.
Vì vậy, không nên tin rằng cuộc sống là để tạo ý nghĩa quá lâu, nhưng cũng đừng thôi tin vào nó quá sớm:
Bạn chỉ nên thôi tin vào điều này khi bạn bắt đầu bất tử – khi mà mong ước của bạn về ý nghĩa của cuộc sống đã được đáp ứng và bạn bắt đầu tạo ra “trò chơi ý nghĩa cuộc sống” cho người khác. Khi đó, bạn bắt đầu đóng vai thượng đế như một cách tiêu khiển cá nhân.
Có một lý do mà tại sao chỉ những người trên 40 tuổi mới có thể tạo ra ý nghĩa: vì nó chẳng đẹp đẽ gì:
Chiến thắng trước tạo dựng. Là sống sót.
Tạo dựng trước làm đẹp. Là trường tồn.
Làm đẹp trước công dụng. Là lãnh đạo.
Công dụng trước sự thật. Là hiện thực.
Để chiến thắng, bạn cần làm những điều xấu xa, sai trái và phá hoại. Để tạo dựng, bạn cũng sẽ phải làm những điều xấu xa và sai trái. Để những thứ bạn tạo ra trường tồn ngay cả khi bạn không còn tin vào nó, bạn cần phải làm những điều đẹp, xấu xa và sai trái. Bạn sẽ cần tạo ra cái đẹp trước khi có được hạnh phúc. Và chỉ đến cuối cùng, bạn mới có thể đi tìm sự thật – một hoạt động không bắt buộc, chẳng để làm gì và cô độc. Hoạt động chỉ những người bất tử và tự do mới chọn làm.
Dịch một bài về Triết chẳng dễ và tuy đã rất cố gắng, cảm giác mình vẫn chưa thật sự ghi lại đúng ý nghĩa của tác giả. Nếu có thời gian, nên đọc bài gốc, bạn sẽ có nhiều điều thú vị để suy ngẫm cho riêng mình.